1. Trang chủ
  2. Kỹ thuật dịch Nhật - Việt
  3. Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 33 – Kỹ năng check phần 13

Kỹ thuật dịch Nhật - Việt

Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 33 – Kỹ năng check phần 13

2020-08-06

Khi check một bài dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt, ngoài những yếu tố như xác định nội dung hay các thành phần chính trong câu, thì người check cũng cần chú ý đến kiểu của văn bản dịch. Nói một cách khác đây là thể loại của văn bản.

 

dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt

 

Vì bước check là bước cuối cùng để hoàn thành bản dịch nên việc kiểm tra kỹ về thể loại bài dịch là vô cùng cần thiết, nên khi check ngoài từ ngữ, chúng ta cũng cần chú ý đến văn phong để diễn đạt cho trọn vẹn ý nghĩa bản gốc.

 

15. Điều chỉnh kiểu văn bản

Dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt không chỉ đơn giản là dịch nội dung và câu chữ trong văn bản gốc mà còn cần phải xác định được đúng thể loại văn bản để lựa chọn từ ngữ và giọng văn sao cho phù hợp.

Trong tiếng Việt chúng ta có thể kể đến các thể loại văn như:

  • Tự sự: được dùng để trình bày, tái hiện sự việc và miêu tả các sự vật, hiện tượng, nhân vật có liên quan với nhau. Thể loại văn bản này này được dùng để gửi gắm những tư tưởng tình cảm, thái độ, suy nghĩ, đánh giá của người viết về cuộc đời, quy luật, v.v… và bày tỏ thái độ của người viết.
  • Miêu tả: dùng để tái hiện tính chất, thuộc tính của sự vật, hiện tượng để giúp người đọc cảm nhận, hình dung và hiểu được chúng.

 

dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt

 

  • Thuyết minh: dùng để trình bày nguyên nhân, thuộc tính, cấu tạo, lợi ích, v.v… của sự vật, hiện tượng nhằm giúp người đọc có cái nhìn khách quan và hình thành thái độ với các sự vật, hiện tượng này.
  • Nghị luận: dùng khi người viết muốn thể hiện suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm của mình trước một sự vật, một hiện tượng, một sự việc nào đó thông qua phương thức nêu lên luận điểm, vận dụng luận cứ và các phép lập luận.
  • Biểu cảm dùng để biểu đạt tình cảm, cảm xúc của người viết đối với thế giới quan và khơi gợi sự đồng cảm của người đọc. Văn bản biểu cảm thường chỉ sẽ biểu hiện một tình cảm là chủ yếu.
  • Điều hành: sử dụng khi trình bày các vấn đề pháp lí, hợp đồng, nội quy, các thỏa thuận giữa người với người, v.v…

Thông thường với những văn bản ở thể loại tự sự, miêu tả, biểu cảm thì cần điều chỉnh từ ngữ và giọng văn sao cho mềm mỏng, dễ hiểu. Còn đối với các văn bản nghị luận hay thuyết minh thì chúng ta nên sử dụng những từ ngữ trang trọng, không quá đặt cảm xúc vào câu văn.

Ví dụ như văn bản tự sự sẽ có cách dùng từ khác với văn bản nghị luận vì mục đích sử dụng của hai kiểu văn này hoàn toàn khác nhau. Vì thế, người dịch và người check cần đặc biệt lưu ý khi xác định kiểu văn bản khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt. Xác định sai sẽ dẫn đến việc chọn từ không phù hợp và không đúng với ngữ cảnh. Sau khi xác định xong, chúng ta cần điều chỉnh lại văn bản dịch sao cho đúng với yêu cầu của văn bản gốc.

 

dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt

 

Trường hợp tương tự khi dịch ngược Việt – Nhật thì chúng ta cũng cần phải thống nhất thể văn trong toàn bộ bài dịch. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn です/ます với である, sẽ khiến văn bản khó nhìn và khó đọc, làm người đọc dễ nhầm lẫn.

Để chắc chắn khi dịch tiếng Việt sang tiếng Nhật, người dịch và người check nên kiểm tra bằng mắt, nhưng cũng nên sử dụng chức năng tìm kiếm nâng cao của Word hoặc Excel, chẳng hạn như trong những văn bản dài.

Hay khi liệt kê trong dự án nhiều người cùng dịch thì phải thống nhất từ loại liệt kê danh từ/động từ/tính từ và đảm bảo dùng đúng các từ này trong suốt cả bài dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt.

Khi lựa chọn kiểu văn bản trong dịch tiếng tiếng Nhật sang tiếng Việt cũng cần phải chú ý xem đã đáp ứng đủ các yêu cầu như:

      • Đã phù hợp với bản gốc hay chưa?
      • Có theo đúng chỉ thị, Style Guide của khách không?
      • Có phù hợp với đối tượng mà văn bản đang hướng đến không?
      • Các từ ngữ phải đảm bảo tính thống nhất.

Chính vì vậy, khi check một văn bản dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt, người check không những phảm đảm bảo về mặt ngữ nghĩa mà còn phải đảm bảo về kiểu văn bản, để bản dịch phù hợp và biểu thị chính xác nội dung mà bản gốc đang muốn đề cập đến.

Green Sun Linguist Team
(Còn tiếp)

Xem thêm:

Kỳ 32: Kỹ năng check phần 12