1. Trang chủ
  2. Kỹ thuật dịch Nhật - Việt
  3. Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 28 – Kỹ năng check phần 8

Kỹ thuật dịch Nhật - Việt

Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 28 – Kỹ năng check phần 8

2020-07-10

Sau khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt chúng ta cần kiểm tra lại bản dịch, vì vậy bước kiểm tra (check) là bước cuối cùng để rà soát lại bản dịch một lần nữa trước khi nộp cho khách hàng hoặc xuất bản đến người đọc.

 

 

Ngoài việc phải chú ý đến sắc thái của từ vựng ( đã đề cập ở kỳ 27), khi check văn bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, chúng ta cũng cần chú ý đến văn phong, cách diễn đạt sao cho phù hợp với nội dung, ngữ cảnh mà văn bản gốc đang đề cập đến.

8. Điều chỉnh văn phong cứng hoặc mềm trong đoạn văn

a. Ngữ vực

Trong ngôn ngữ học, chúng ta sẽ thường xuyên gặp hai thuật ngữ là ngữ cảnh và ngữ vực.

Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ, mà ở đó người nói (người viết) sản sinh lời nói thích ứng để người đọc và người nghe có thể lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa mà lời nói diễn tả. Những nhân tố của ngữ cảnh có thể kể đến như: văn cảnh, nhân vật, bối cảnh, v.v…

Còn đối với ngữ vực, ngữ vực là một BIẾN THỂ LỜI NÓI’ do một nhóm người cụ thể sử dụng, thường chia sẻ cùng một ngành nghề (như bác sĩ, luật sư) hoặc cùng một sở thích (các nhà sưu tầm tem, các cổ động viên bóng chày.) hay nói cách khác đây chính là thuật ngữ.
Một ngữ vực cụ thể thường phân biệt nó với các ngữ vực khác bởi một số từ khu biệt bằng cách dùng các từ hoặc ngữ theo một cách cụ thể.

 

 

Ví dụ trong bộ môn quần vợt sẽ có các ngữ vực như: ‘deuce’ (40 đều), ‘love’ (không/không có tỉ số), ‘tramlines’ (hai đường song song trên sân quần vợt đánh dấu vùng phụ dùng cho khi chơi đấu đôi)

Khi đối thoại tâm tình giữa bạn bè đi uống café thì cách diễn đạt, từ ngữ sẽ mềm mại, thân thuộc, hoặc trong các buổi hội nghị chúng ta sẽ điều chỉnh cách diễn đạt sao cho trang trọng.

Và trong các văn bản cũng thế, một văn bản sử dụng hướng dẫn sử dụng (từ ngữ phổ thông, ngắn gọn, dễ hiểu, v.v…) sẽ có cách diễn đạt khác với văn bản hợp đồng (từ ngữ mang tính quy phạm, từ ngữ luật pháp, v.v…).

 

b. Dịch thuật cũng là một phương tiện giao tiếp

 

 

Một số điểm thường được xem xét khi giao tiếp với mọi người cũng có ích cho công việc dịch thuật. Chúng ta có thể tham khảo bảng sau đây:

Ngôn ngữ nóiNgôn ngữ viết
Ngữ cảnh tự nhiênNgữ cảnh nhân tạo
Giao tiếp trực tiếpGiao tiếp gián tiếp
Dấu ấn cá nhân trong diễn đạtTrung tính trong diễn đạt
Phản ứng linh hoạtĐộ ổn định cao
Chức năng giao tiếpChức năng thông tin

Người dịch và người check cần phải xác định rõ ngữ cảnh (cái gì, ở đâu và với ai) sau đó mới lựa chọn ngữ vực (cách diễn đạt, từ ngữ, v.v…) cho bài dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt.

 

c. Chú ý phải thống nhất văn phong xuyên suốt bài.

Chúng ta cần đặc biệt lưu ý không sử dụng nhiều cách nói trong một văn bản dịch vì điều đó vô tình sẽ mang lại cảm giác không phù hợp, khó chịu cho người đọc, và cũng sẽ làm cho bài dịch không được hay. Vì thế, người dịch và người check cần phải có một sự thống nhất về mặt văn phong xuyên suốt cả bài để bài dịch tiếng Nhật sang tiếng Việc không bị lủng củng và diễn đạt không hay.

 

 

Chẳng hạn như khi viết thư cho bạn bè hoặc người thân, dùng văn phong thân thiết cả đoạn, không chen câu lịch sự khách sáo vào, điều này sẽ khiến cho toàn thể văn bản bị gượng ép và không hay.

Ví dụ:

Gửi gia đình thân yêu của con,

Đã một năm con xa nhà, một năm sống, học tập và làm việc nơi xứ người, cách nhà 1/4 vòng Trái đất. Trong một năm qua, con đã được học, được trải nghiệm và đối mặt với nhiều thử thách.

[…]

Trân trọng kính thư

        • Có thể thấy rằng “Trân trọng kính thư” không phù hợp với ngữ cảnh của bài viết này, khi đây là bức thư viết cho gia đình. Thay vào đó, chúng ta có thể thay bằng “Chúc cả nhà luôn khỏe”, v.v… để mang lại cảm giác gần gũi, phù hợp hơn với một bức thư gửi cho người thân.

Hoặc trường hợp viết cho khách hàng hoặc cấp trên, chúng ta thường dùng các cách viết mở đầu thư như “Kính gửi anh/chị”, “Dear anh/chị”, v.v… tránh dùng các kiểu viết quá thân mật mà giảm đi mức độ lịch sự, trịnh trọng của bức thư dùng trong kinh doanh.

Chính vì thế, người dịch và người check cần phải có sự thống nhất về cách diễn đạt mềm hoặc cứng dựa trên ngữ cảnh của bài dịch. Từ đó mà có sự lựa chọn từ ngữ, văn phong sao cho phù hợp với chủ đề, với bối cảnh của bài dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt và quan trọng nhất là bài dịch của chúng ta phải phù hợp với người đọc.

Green Sun Linguist Team
(Còn tiếp)

Xem thêm:

Kỳ 27: Kỹ năng check phần 7

Kỳ 29: Kỹ năng check phần 9