1. Trang chủ
  2. Kỹ thuật dịch Nhật - Việt
  3. Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 18 – Kỹ năng dịch tinh phần 3

Kỹ thuật dịch Nhật - Việt

Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 18 – Kỹ năng dịch tinh phần 3

2020-06-05

Trước khi nộp một bài dịch tiếng Nhật sâng tiếng Việt cho khách hàng, công ty biên dịch hay người check,.. thì bước dịch tinh là bước cuối cùng để check lại xem bản dịch đã hay và dễ hiểu chưa. Kỹ năng dịch tinh là kỹ năng quyết định chất lượng cuối cùng của bản dịch, đòi hỏi người dịch phải trau chuốt trong câu chữ và cần thận trong cách diễn đạt.

 

 

Trong Kỳ 17: Kỹ năng dịch tinh phần 2  đã đề cập đến cách diễn đạt khi gặp thể bị động và cách dịch với từ 感じる, với kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu những phương pháp kết hợp những yếu tố từ vựng thì chúng ta cần chú ý điều gì và làm thế nào để diễn đạt sao cho hài hòa nội dung.

 

4. Kết hợp từ vựng:

Kết hợp từ vựng là một kỹ năng hữu ích và được sử dụng thường xuyên nhất khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt, kỹ năng này khá giống với kỹ năng lựa chọn từ vựng khi dịch thô ở Kỳ 13: Kỹ năng dịch thô phần 7

 

Ở kỹ năng dịch tinh, chúng ta phải suy xét kỹ hơn đối với tổng thể câu văn để có thể lựa chọn cách diễn đạt từ sao cho phù hợp với ngữ cảnh, làm cho câu văn trở nên hay và ý nghĩa hơn. Không nhất thiết phải dịch thật sát nghĩa, mà chúng ta có thể linh động trong việc dịch thoáng đối với các văn bản mang tính chất tự sự.

Ví dụ 1:

お客様への感謝の気持ちを表す贈り物です。

        • Phân tích: cụm “感謝の気持ちを表す” là “bày tỏ lòng biết ơn”, nhưng đặt câu này vào một tấm thiệp hay một văn bản quảng cáo thì chúng ta có thể dùng chữ âm Hán-Việt để thể hiện khiến câu văn ngắn gọn và trang trọng hơn. Trường hợp đó, chúng ta sẽ dịch thành “tri ân”
        • Đây là món quà để tri ân khách hàng.

Ví dụ 2:

管理者として、監督不行き届きでした。

→ Là một người quản lý, tôi đã giám sát một cách qua loa.

      • Phân tích: cụm “不行き届き” chỉ sự thiếu thận trọngđến việc mình làm dẫn đến kết quả xấu. Ngoài として có rất nhiều nghĩa như “là”, “với tư cách”, “với”, “ như là”,..
      • Để câu văn hay và mạch lạc hơn chúng ta có thể dịch thành:

→“Với tư cách là một người quản lý, tôi đã sơ suất trong việc giám sát.”

Kỹ năng kết hợp từ vựng đòi hỏi người dịch phải có một vốn từ rộng và khả năng vận dụng, kết hợp từ sao cho diễn đạt câu trôi chảy, chính xác với ngữ cảnh hơn.

 

5. Khái quát hóa:

* Khái quát hóa là gì?

Khái quát hóa là một hình thức trừu tượng, theo đó các thuộc tính chung của các trường hợp cụ thể được coi là các khái niệm hoặc tuyên bố chung. Nói một cách dễ hiểu hơn thì khái quát hóa là diễn đạt từ tổng quát đến cụ thể, từ trong ra ngoài, lớn trước nhỏ sau.

Khái quát hóa trong dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt là kỹ năng mà người dịch phải có cái nhìn tổng thể về văn bản. tùy vào đối tượng mà cách diễn đạt có thể khác nhau sao cho người đọc dễ hiểu, dễ dàng nắm bắt được nội dung mà tác giả đang đề cập đến.

 

 

Khi đã hoàn thành bước dịch thô, người dịch đã phần nào hiểu được nội dung của bài dịch, và đến dịch tinh, sử dụng khái quát hóa, chúng ta có thể liên kết các ý chính trong bài dịch. Qua đó, nắm được ngữ cảnh, người đọc, v.v… mà có cách lựa chọn từ ngữ đúng chuyên môn, phù hợp với bài dịch và người đọc.

Ví dụ 3:

Thính chẩn = Khám bệnh bằng cách nghe

Xúc chẩn = Khám bằng cách sờ chạm

      • Phân tích: “thính chuẩn”, “xúc chuẩn” đều là thuật ngữ của ngành y nếu như viết sách hay luận văn thì có thể dùng thuật ngữ chuyên môn, nhưng nếu như viết báo, hay bài viết phổ cập kiến thức thì cần dùng từ phổ thông hơn để không gây khó hiểu cho người đọc.

Ví dụ 4:

Mỗi không gian sinh sống có nhà vệ sinh, bồn rửa dùng cho nấu ăn (nhà bếp), cửa ra vào chuyên dụng (bao gồm cả trường hợp dù dùng chung nhưng vẫn có thể sử dụng bất cứ lúc nào mà không phải đi qua không gian sinh sống của bên kia.)

      • Phân tích: Sử dụng khái quát hóa, chúng ta có thể thấy khi giới thiệu một không gian sinh hoạt, thường sẽ giới thiệu từ cửa vào trước và nhà vệ sinh thường được giới thiệu sau cùng. Vì thế, câu trên có thể được viết thành
      • Mỗi không gian sinh sống có cửa ra vào, bồn rửa dùng cho nấu ăn (nhà bếp), nhà vệ sinh riêng (bao gồm cả trường hợp dù dùng chung nhưng vẫn có thể sử dụng bất cứ lúc nào mà không phải đi qua không gian sinh sống của bên kia.)

Nhìn chung kỹ năng Kết hợp từ vựng và Khái quát hóa của kỹ năng dịch tinh trong dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt là để dịch giả chú ý hơn về cách sử dụng và sắp xếp từ ngữ sao cho bản dịch không gây khó hiểu với người đọc. Dịch giả có thể tự trau dồi vốn từ và học cách diễn đạt thông qua các bài báo và tác phẩm văn học.

Green Sun Linguist Team
(Còn tiếp)

Xem thêm:

Kỳ 17: Kỹ năng dịch tinh phần 2

Kỳ 19: Kỹ năng dịch tinh phần 4