1. Trang chủ
  2. Kỹ thuật dịch Nhật - Việt
  3. Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt Kỳ 8- Kỹ năng dịch thô- Phần 2

Kỹ thuật dịch Nhật - Việt

Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt Kỳ 8- Kỹ năng dịch thô- Phần 2

2020-04-24

Khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt thì dịch thô giống như một bước đệm để có được một bản dịch hoàn hảo và chính xác. Dịch thô đòi hỏi chúng ta phải có sự nhạy bén trong phân tích và khả năng chuyển dịch câu cú, ngữ nghĩa cho chính xác, tránh lỗi chính tả, ngữ pháp.

Trong Kỳ 7: Kỹ năng dịch thô phần 1 chúng ta đã biết đến cách thể hiện chủ ngữ và cách rút gọn câu, và đến với kỳ 8 lần này chúng ta sẽ biết đến những cách để biểu hiện từ ngữ sao cho hiệu quả để đem lại kết quả dịch tốt.

 

3. Hạn chế lặp lại trợ từ:

Người ta thường nói “ phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”, thật vậy, cách biểu hiện trong từ ngữ Việt Nam là vô cùng đa dạng. Để biểu thị rõ ý nghĩa của câu, các trợ từ như: những, các, của, vì, nên, v.v… thường xuyên được sử dụng vì đây là những thành phần quan trọng trong câu, giúp người dịch hiểu được ý câu rõ hơn trong nhiều trường hợp.

Tuy nhiên, việc lặp lại quá nhiều những từ này trong câu khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt sẽ làm cho câu dịch bị lặp từ, và trở nên dài dòng, khó hiểu.

 

Vì thế, để hạn chế tình trạng này, chúng ta có thể linh động lược bỏ những trợ từ không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo cho câu về mặt nghĩa. Lược bỏ trợ từ là kỹ năng vô cùng thiết yếu khi người dịch muốn dịch những câu văn ngắn gọn nhưng vẫn đủ ý.

Ví dụ:

“Các quy định này sẽ áp dụng cho tất cả các thành viên của công ty chúng ta, bao gồm các cấp lãnh đạo và nhân viên.”

Trong câu ví dụ trên chữ “các” bị lặp lại tận 3 lần dẫn đến việc bị rối khi đọc câu.

Vì từ “tất cả” đã bao gồm số nhiều nên chúng ta sẽ lược bỏ chữ “các” trong cụm “tất cả các thành viên”. Tương tự, đối với cụm từ “các cấp lãnh đạo và nhân viên”, vì “cấp lãnh đạo” đã mang nghĩa là một đoàn thể nên chúng ta có thể lược bỏ từ “các” ở đây, và thêm từ “toàn thể” trước “nhân viên” để thể hiện số đông.

  • Sau khi phân tích chúng ta có thể viết lại như sau:

“Các quy định này sẽ áp dụng cho tất cả thành viên của công ty chúng ta, bao gồm cấp lãnh đạo và toàn thể nhân viên.”

 

4. Những lưu ý khi gặp từ kanji quá dài

Khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt, chúng ta thường hay bắt gặp những cụm từ Kanji (chữ Hán) quá dài và khó khăn trong việc tra cứu. Những cụm Kanji này có thể là tên tổ chức, tên doanh nghiệp, phương châm hoạt động, tên của một đối tượng nào đó, v.v… Tất cả những cụm từ này thường sẽ làm cho chúng ta bị bối rối khi không thể hiểu được cụm từ này được ghép từ những từ nào và sẽ sắp xếp ra sao để cho ra một cụm có nghĩa chính xác nhất.

 

Đối với trường hợp này chúng ta hãy ngắt các cụm từ này ra thành nhiều phần nhỏ có nghĩa và theo ý để tra cứu, sau đó ghép lại và thêm từ sao cho trôi chảy.

Ví dụ 1: với cụm từ「衛生安全管理」chúng ta có thể ngắt ra như sau

衛生: vệ sinh

安全: an toàn

管理: quản lý

Ghép những từ đơn này lại và thêm từ, từ nối, chúng ta sẽ có một cụm từ hoàn chỉnh là: “Quản lý về phương diện vệ sinh và an toàn”

Ví dụ 2: 「後期高齢者医療被保険者証」

後期: giai đoạn sau

高齢者: người cao tuổi

医療被保険者証: thẻ bảo hiểm y tế

  • Thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi giai đoạn sau.

 

5. Đổi cách diễn đạt từ

Đây là một kỹ năng vô cùng hữu ích khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt. Việc đổi cách diễn đạt từ sẽ giúp câu văn trôi chảy và không bị lặp những từ không cần thiết.

Khi thực hiện đổi các diễn đạt từ, chúng ta cần lưu ý đến “Nhóm lớn” và “Nhóm nhỏ” cũng như là cách dùng từ và phối hợp từ sao cho tự nhiên, phù hợp với tổng thể đoạn văn.

Trước tiên, chúng ta hãy suy xét đến “Mối liên hệ của từ” , hãy tự mình đặt ra câu hỏi “Liệu từ A này có thể đổi sang từ B được không? Nghĩa của câu, của cụm từ, của từ có bị thay đổi không? Tổng thể cả bài có bị ảnh hưởng không? Có gây ra sự không thống nhất không?”

Sẽ thật dễ dàng nếu từ A đồng nghĩa với từ B, nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Trong trường hợp đó, chúng ta hãy thử sử dụng “Từ có ý nghĩa gần với từ đó”. Lúc này, ta sẽ tiến hành chia thành “Nhóm lớn” và “Nhóm nhỏ”.

Hãy chắc chắn rằng sau khi đổi cách diễn đạt thì ý nghĩa câu văn vẫn không đổi.

 

Ví dụ:

“Sư tử sống từ 10–14 năm trong tự nhiên, trong môi trường giam cầm, sư tử có thể sống hơn 20 năm.”

Trong ví dụ trên, chúng ta dễ nhận thấy rằng “sư tử” được lặp lại 2 lần. Và nếu nằm trong một đoạn, từ này có thể sẽ lặp lại nhiều lần nữa nếu ta không tìm được từ thay thế. Vậy, lúc này, chúng ta sẽ chia thành nhóm lớn và nhóm nhỏ.

Trong nhóm lớn “Động vật” chúng ta có nhóm nhỏ bao gồm các loài vật như chó, mèo, gà, vịt, sư tử, v.v…. Thêm từ để câu văn hay hơn mà không bị thay đổi về ý nghĩa, chúng ta có thể chuyển đổi câu ví dụ trên thành:

  • Sư tử sống từ 10–14 năm trong tự nhiên, trong môi trường giam cầm, loài động vật này có thể sống hơn 20 năm.

 

Vì tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú, không bị gò bó, cùng một từ sẽ có rất nhiều cách diễn đạt khác nhau là cho câu văn hài hòa, phong phú hơn. Không những thế, chúng ta cũng phải không ngừng cải thiện vốn từ của mình thông qua báo chí, sách, các bài dịch trước, v.v… để đem lại một bản dịch hay nhất.

Green Sun Linguist Team
(Còn tiếp)

Xem thêm:

Kỳ 7: Kỹ năng dịch thô phần 1

Kỳ 9: Kỹ năng dịch thô phần 3