1. Trang chủ
  2. Kỹ thuật dịch Nhật - Việt
  3. Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 6 – Kỹ năng lập chiến lược- Phần 2

Kỹ thuật dịch Nhật - Việt

Cách dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt – Kỳ 6 – Kỹ năng lập chiến lược- Phần 2

2020-04-17

Việc xây dựng một chiến lược khi bắt tay vào dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt là một bàn đạp để đem đến một bản dịch hoàn hảo. Để bản dịch được đúng chuẩn vì việc lập một chiến lược dịch chuẩn xác là một việc vô cùng quan trọng.

Trong bài Kỳ 5: Kỹ năng lập chiến lược phần 1 lần trước chúng ta đã được biết những mục cần xem xét, cân nhắc kỹ khi lập chiến lược như: đối tượng, ngữ cảnh, hay phương tiện đăng tải,… Vậy để có một chiến lược dịch hoàn hảo chúng ta cần suy xét lỹ điều gì? Với bài kỳ 5 này sẽ giải đáp cho bạn từng yếu tố, giúp bạn xây dựng được cho mình một nền tảng vững chắc.

Những yếu tố quan trọng trong lập chiến lược dịch

1. Độc giả

Độc giả chính là đối tượng mà bản dịch hướng tới, là người đọc và sử dụng những thông tin trong bài dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt trong công việc, trong đời sống hàng ngày, v.v… hay nói một cách đó là người đọc. Để “độc giả” của mình hiểu ngụ ý của bài dịch một cách toàn vẹn, khi dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt chúng ta cần xác định đối tượng của mình là ai rồi đặt mình vào hoàn cảnh của người đọc.

Ví dụ khi người đọc là một bác sĩ tâm lý, là những người chuyên sâu về tâm lý học,  đối với các hiện tượng tâm lý như 社会不安障害 (rối loạn lo âu xã hội)、強迫性障害(rối loạn ám ảnh cưỡng chế)thì chúng ta có thể giữ nguyên các thuật ngữ chuyên ngành như SAD hay OCD (giải thích thêm nếu cần). Nhưng độc giả là người đang tìm hiểu về các hội chứng này, không am hiểu nhiều về lĩnh vực này, từ ngữ phức tạp nên chúng ta cần phải dịch Hội chứng SAD khiến người bệnh cảm thấy lo sợ nếu ai chú ý tới bản thân,… sao cho đơn giản, dễ hiểu nhất với người đọc.

2. Ngữ cảnh và phương tiện đăng tải

Văn bản dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt sẽ được dùng trong hoàn cảnh nào (tờ rơi quảng cáo, văn bản nội bộ, thông cáo báo chí, hướng dẫn sử dụng, v.v…). Xác định đúng ngữ cảnh sẽ giúp chúng ta có thể tự đặt mình vào hoàn cảnh của người đọc, từ đó điều chỉnh văn phong và từ ngữ cho phù hợp nhất.

Nếu bài dich được sử dụng làm tờ rơi quảng cáo thì người dịch cần phải rút gọn câu văn để làm nổi bật nên các ý chính (giá, khung giờ, sản phẩm, v.v…). Còn nếu là hướng dẫn sử dụng, cần dịch đúng, đủ ý, không làm sót bất kỳ chi tiết nào để người sử dụng có thể hiểu và làm theo được.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem phương tiện mà chúng ta đăng tải là gì để điều chỉnh văn phong sao cho phù hợp, nếu đăng trên các trang mạng xã hội thì chúng ta có thể sử dụng những từ ngữ theo trend hoặc những ký tự vui nhộn nhằm thu hút sự chú ý từ người đọc, nếu chúng ta đăng vào web của công ty thì cần phải điều chỉnh văn phong sao cho không quá lố lăng.

Ngữ cảnh và phương tiện đăng tải bài dịch là hai yếu tố luôn phải xem xét song song với đọc giả, từ đó có sự lựa chọn từ ngữ và văn phong thích hợp.

3. Style guide

Style guide là quy tắc dịch được công ty dịch thuật/khách hàng cung cấp. Đây cũng là chỉ thị mà chúng ta khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt bắt buộc phải tuân theo.

Vậy bám sát vào style guide ngay từ đầu sẽ có những lợi ích gì? Điểm quan trọng đầu tiên đó chính là sự thống nhất. Dịch theo style guide sẽ giúp bài dịch có được sự thống nhất trong một số mục nhất định (đánh số, danh từ riêng, tên người, v.v…). Bên cạnh đó, khi đã có style guide, người dịch sẽ không cần phải phân vân về thể văn cần phải sử dụng hay cách dùng từ. Và cuối cùng, cũng quan trọng không kém, đó chính là tuân theo style guide sẽ giúp chúng ta không làm trái hướng dẫn của khách hàng. Điều này vừa có lợi cho người dịch và có lợi cho khách hàng hay công ty dịch thuật.

Bên cạnh đó, từ Style guide này chúng ta cũng có thể học được nhiều cách dịch mới, hay cách sử dụng từ mới, giúp ích cho việc dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt.

Vì thế, khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt, hãy tuân theo style guide (nếu có) và đừng tự làm theo ý mình nhé!

4. Dùng Term, từ điển

Term, từ điển là danh sách từ ngữ được công ty dịch thuật hoặc khách hàng cung cấp để dùng cho dự án. Nội dung Term, từ điển sẽ khác nhau tùy vào dự án.

Sử dụng Term, từ điển có rất nhiều lợi ích, vì có term, từ điển sẽ rút ngắn được thời gian tra từ, người dịch có thể sử dụng list Term từ khách hàng để thống nhất cách dịch cho các từ, cụm từ hay cách diễn đạt.

Tuy nhiên, dù việc dịch theo Term của khách vẫn là ưu tiên, nhưng không phải lúc nào cũng dùng theo Term của khách. Người dịch nên xem xét nghĩa của từ trong câu, lĩnh vực, đối tượng, v.v… để chọn từ, cách dịch phù hợp. Trường hợp Term, từ điển sai, hãy ghi chú lại để thảo luận với người sẽ kiểm tra bài (người check), quản lý dự án hoặc khách hàng/công ty dịch thuật.

Ví dụ:

      • Term của khách:    ベルト = dây cua-roa, dây đai
        • Chọn từ “dây cua-roa” (bộ phận của máy in)
      •  Term của khách:  真円度 = chân tròn
        • Sửa lại “độ tròn” (loại dung sai hình học)

5. Transcreation khi dịch du lịch, quảng cáo

Transcreation là phương pháp dịch cần có trong lĩnh vực du lịch và quảng cáo.

Transcreation = Translation + Creation

Khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt, đối với bài du lịch và quảng cáo, chúng ta cần chú trọng đến việc truyền tải thông điệp của tác giả và tác động của bài viết đến người đọc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải dịch thoát ý trong một số trường hợp.

Ví dụ: Với câu nói 努力しない者に成功はない。Khi dịch trong quảng cáo thì chúng ta dịch ngắn gọn như “không có nỗ lực sẽ không có thành công”, nhưng khi dịch vào văn bản thì chúng ta lại dịch là “Đối với những người không nỗ lực thì không có khái niệm thành công.”

Có thể nói transcreation là phương pháp dịch chú trọng vào việc “tạo dựng bầu không khí và hình ảnh mà văn bản gốc mang đến cho người đọc” hơn là dịch trung thực theo bản gốc. Vì nếu dịch sát theo bản gốc sẽ không làm bật lên được ý mà người viết ban đầu muốn nói đến.

Thông qua những bài dịch thực tế, những bài viết quảng cáo, v.v… người dịch có thể đúc kết cho mình kinh nghiệm để chọn cách dịch hay, thoát ý nhưng vẫn phải đảm bảo đúng ý nghĩa câu.

6. Quy tắc khi dịch phụ đề

Đặc trưng lớn nhất của dịch phụ đề tiếng Nhật sang tiếng Việt  là “giới hạn số lượng ký tự”, nghĩa là “số lượng ký tự có thể dùng trong cảnh 1 giây là 4 ký tự”. Lúc này sẽ có rất nhiều thông tin được truyền tải đến người xem thông qua các sản phẩm video, âm nhạc hay đối thoại, v.v… Quy tắc giới hạn số ký tự trong phụ đề là để ngăn người xem quá tập trung vào việc “đọc phụ đề” mà không thể nhận được những thông tin khác.

Bên cạnh quy tắc trên, còn nhiều cách sắp xếp phong cách khác nhau cho phụ đề phụ thuộc vào công ty dịch và nhà phân phối phim.

7. Ước tính thời gian

Và cuối cùng, đó chính là thời gian. Sau khi đã phân tích câu, đánh dấu những từ khó cần tra cứu, xác định được độc giả, ngữ cảnh (du lịch, quảng cáo, hướng dẫn sử dụng, v.v…), có term, từ điển không, và đọc kỹ style guide của khách hàng/công ty dịch thuật (nếu có), bước cuối cùng trong chiến lược dịch đó chính là thời gian.

Hãy chia bài dịch thành những phần nhỏ để đảm bảo hoàn thành bài dịch theo đúng tiến độ mà khách hàng/công ty dịch thuật đã đề ra. Ngay từ phút đầu tiên, nếu cảm thấy sẽ tốn nhiều thời gian để tra từ, thống nhất từ với những người dịch khác, hoặc thông tin khó tìm, v.v… hãy ngay lập tức liên hệ với công ty dịch thuật/khách hàng để thảo luận. Hãy nộp một bài dịch tốt nhất vì uy tín của chính mình.

Dịch thuật quả là một công việc khó khăn và cần đặt sự tâm huyết vào đó, nhưng một khi nắm vững nền tảng thì đó gọi là đam mê. Hãy thử ứng dụng những phương pháp trên vào chiến lược dịch của bạn, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ.

Green Sun Linguist Team
(Còn tiếp)

Xem thêm:

Kỳ 5: Kỹ năng lập chiến lược phần 1

Kỳ 7: Kỹ năng dịch thô phần 1